Khi lựa chọn SSD, bạn không nên chỉ quan tâm đến tốc độ truyền dữ liệu của nó. Một trong những chỉ số rất quan trọng khác của SSD chính là TWB. Trong bài viết này, Eliteleven sẽ giúp bạn hiểu TBW là gì và tại sao nó lại quan trọng trong SSD.
Nội dung chính
Với các ổ cứng HDD truyền thống, chúng thực sự rất bền nên bạn gần như không phải quan tâm đến tuổi thọ của chúng. Tuy nhiên, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác trên các ổ cứng SSD. Ngoài tốc độ truyền dữ liệu, bạn cũng cần phải quan tâm đến một thông số khác là TBW trong SSD. Vậy TBW là gì và tại sao nó lại quan trọng trong SSD? Chúng ta sẽ cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.
TBW là gì?
TBW (Total Bytes Written) tiếng việt là tổng số byte đã ghi là một số liệu (thường tính bằng Terabyte – TB) được các nhà sản xuất chỉ định cho một sản phẩm ổ cứng SSD. Thông qua chỉ sổ này, bạn sẽ biết rằng mình có thể ghi bao nhiêu TB dữ liệu vào ổ trong thời gian bảo hành trước khi các ô nhớ trong ổ bắt đầu xuống cấp. Với một ổ SSD đã hoạt động vượt quá mức TBW của nó, nó có khả năng mất dữ liệu hoặc lỗi toàn bộ ổ. Lúc đó, giải pháp duy nhất để khắc phục vấn đề là thay thế ổ cứng mới vì dữ liệu của bạn trên ổ cứng cũ sẽ không còn an toàn như trước nữa.
Mỗi SSD sẽ có mức TBW khác nhau, dao động từ mức thấp nhất là 30TB cho đến hàng nghìn TB. Ổ cứng có dung lượng càng cao thì TBW sẽ càng lớn. Ví dụ: SSD 500GB thông thường có TBW khoảng 300TB, trong khi SSD 1TB thường có TBW là 600TB. Chỉ số TBW còn phụ thuộc vào chất lượng và công nghệ trên ổ cứng vì mỗi nhà sản xuất lại có một giải pháp để nâng cao TWB.
Điều gì ảnh hưởng đến TBW?
Cho dù sử dụng định dạng SATA 2,5 inch truyền thống hay M.2 và PCI Express mới hơn, tất cả những ổ cứng SSD đều xây dựng trên cùng một công nghệ giống nhau là chip bộ nhớ flash NAND. Chip nhớ sẽ được ghép nối với một bộ điều khiển để điều hướng dữ liệu đến nơi chúng sẽ đi khi ghi và tìm thấy dữ liệu sau khi đọc. Đó cũng là lý do mà ổ cứng HDD sử dụng thành phần cơ học không thể đạt được tốc độ đọc ghi tuần tự như SSD.
Tuy nhiên, để đạt được tốc độ đọc ghi nhanh như vậy, SSD cũng phải trả giá. Chip nhớ flash NAND sẽ bị hao mòn khi sử dụng. Mỗi ô của mọi chip bộ nhớ chỉ có thể được ghi vào số lần nhất định trước khi nó bắt đầu không có khả năng ghi dữ liệu nữa. Điều đó nói lên rằng bộ nhớ flash tiên tiến cũng có tuổi thọ hữu hạn.
Nhìn chung, TBW là thước đo cho tuổi thọ của một ổ cứng SSD và nó bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tốc độ xuống cấp của các ô nhớ trên chip nhớ.
Bạn có nên quan tâm đến TBW?
Mặc dù TBW là một chỉ số đáng tin cậy về tuổi thọ của SSD, hầu hết người dùng máy tính thông thường sẽ không bao giờ đạt được TBW trong suốt vòng đời bình thường của ổ đĩa. Vì vậy, trừ khi bạn đang ghi hàng trăm gigabyte dữ liệu quan trọng mỗi ngày, bạn không phải lo lắng về TBW. SSD có chỉ số TBW cao thường có giá cao hơn SSD có TBW thấp ngay cả khi chúng có cùng dung lượng lưu trữ và tốc độ.
Cách kiểm tra TBW của SSD
TBW thường được đề cập trong bảng dữ liệu hoặc thông số kỹ thuật của SSD. Ngoài ra, bạn có thể liên hệ với nhà sản xuất SSD để nhận thông tin này. Bạn cũng có thể kiểm tra TBW còn lại của SSD trên máy tính thông qua phần mềm chính thức đi kèm với ổ cứng. Ví dụ: nếu chương trình quản lý SSD của nhà sản xuất báo cáo bạn đã sử dụng khoảng 101TB và TBW của nó là 300TB, điều này có nghĩa là SSD còn lại khoảng 2/3 tuổi thọ.
Ngoài phần mềm đi kèm SSD chính thức, bạn cũng có thể sử dụng CrystalDiskInfo trên Windows hoặc DriveDX trên Mac để tìm tổng dữ liệu đã được ghi vào SSD của bạn.
Điều gì xảy ra sau khi ổ SSD ghi quá mức TBW của nó?
Khi ổ SSD ghi vượt quá TBW của nó, nó sẽ không hoàn toàn vô dụng hoặc chết ngay lập tức. Bạn vẫn có thể đọc thông tin được lưu trữ nhưng bạn có thể gặp sự cố khi ghi thêm dữ liệu. Nhiều ổ cứng còn được trang bị chức năng SMART giúp khoá khả năng ghi của SSD khi nó sắp hỏng và bạn chỉ có thể đọc thông tin được lưu trữ cũng như chuyển dữ liệu sang ổ SSD hoặc HDD khác.
Chúc bạn luôn có một trải nghiệm sử dụng tuyệt vời trên chiếc máy tính của mình.